Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác di sản văn hóa nơi hồn thiêng đại ngàn
Là nhạc cụ mang sức mạnh thiêng liêng, cồng chiêng Tây Nguyên được sử dụng trong những nghi lễ quan trọng của cộng đồng.
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trải khắp 5 tỉnh ở Tây Nguyên, đó là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Cộng đồng chủ thể có hơn mười dân tộc sinh sống lâu đời tại đây như Bana, Xơđăng, Giarai, Êđê, Mnông, Cơho, Mạ…
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là một vật thiêng, và họ tin rằng đằng sau mỗi chiếc cồng, chiếc chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Là một vật thiêng nên âm thanh cồng chiêng cũng mang tính thiêng và con người sử dụng những nhạc cụ này như một “ngôn ngữ” để đối thoại, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với thần linh.
Trước đây, cồng chiêng được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ như lễ đặt tên, lễ cưới, lễ dựng làng mới, lễ dựng nhà rông mới, lễ cúng sức khỏe, lễ cúng chọn đất, phát rẫy, gieo trỉa... Cồng chiêng được sử dụng nhiều và tập trung nhất trong lễ cúng ăn trâu và tang ma. Mỗi nghi lễ thường có một làn điệu cồng chiêng riêng. Cồng chiêng cũng gắn liền với những hình thức sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng ở một số dân tộc. Âm nhạc cồng chiêng luôn đi liền với nhảy múa nghi lễ, và mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi buôn làng đều có những điệu múa riêng. Ngày nay, cồng chiêng còn được sử dụng trong các sinh hoạt văn hóa đời thường.
Phần lớn các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên đánh chiêng, cồng trình diễn quanh trung tâm biểu tượng thiêng như cây nêu hay nhà mồ, hoặc con trâu hiến sinh. Mỗi nghệ nhân chỉ sử dụng một cồng, chiêng hoặc trống, họ đi thành hàng một. Đi đầu thường là một cái trống, tiếp theo các chiêng, cồng theo thứ tự cái có cao độ trầm đi trước, cái có cao độ cao lần lượt đi sau. Họ đi thong thả, vừa nhún nhảy vừa đánh chiêng, vẽ nên một đường tròn và tạo nên một trường âm thanh quanh trung tâm thiêng. Đường tròn giúp cho tiếng của chiêng, cồng đều đến trung tâm thiêng, nơi thần linh bay về ngự trị. Hình ảnh vòng người nhảy múa cùng âm thanh vang vọng núi rừng mang đến toàn cảnh Tây Nguyên vừa huyền ảo, vừa thần bí. Cồng chiêng bởi vậy đã góp phần tạo nên những trang sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong kết nối lịch sử, gắn kết cộng đồng
Theo thời gian, cồng chiêng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Hàng năm, các tỉnh Tây Nguyên đều tổ chức lễ hội cồng chiêng, nơi người dân có thể cùng nhau giao lưu trình diễn cồng chiêng, cũng là nơi du khách được thưởng thức những làn điệu cồng chiêng vừa mạnh mẽ, hào hùng, vừa say mê.
Không chỉ vậy, cồng chiêng còn trở thành sức mạnh tinh thần và là biểu tượng của toàn thể đồng bào trong ứng xử với thiên nhiên, môi trường xã hội; đồng thời là nhân tố gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cộng đồng. Văn hoá và âm nhạc cồng chiêng không chỉ là kết quả của sáng tạo mà còn là sở hữu chung, song hành với cuộc sống mỗi con người và mỗi giai đoạn phát triển lịch sử của cộng đồng.
Mặc dù mỗi cộng đồng, mỗi địa phương ở Tây Nguyên có những điểm khác biệt, những đặc trưng riêng, song các dân tộc luôn hoà hợp lẫn nhau trong văn hoá cồng chiêng mà vẫn giữ được hồn cốt, bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Các dân tộc đều có thể đến với nhau khi sinh hoạt văn hoá cồng chiêng. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên da diết như kết nối, gắn kết mọi người đến gần nhau hơn.
Ghi danh di sản và thực hành cồng chiêng
Năm 2005, UNESCO ghi danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2008, di sản này được chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó đánh dấu bước chuyển mình của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Việt Nam.
Đứng trước những thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, hồn cốt văn hóa của cồng chiêng Tây Nguyên, việc được UNESCO ghi danh đã góp phần quan trọng giúp chính quyền các cấp đưa ra giải pháp bảo vệ; giúp cộng đồng nơi đây thêm trân trọng di sản văn hóa của mình; tạo thêm nguồn lực để đồng bào mua sắm cồng chiêng, tìm kiếm ghi lại các bài nhạc, truyền dạy kỹ năng chơi cồng chiêng, khôi phục không gian tự nhiên, văn hóa, xã hội... cho cồng chiêng. Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và thực hành văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng.
Hiện nay, ở Tây Nguyên, cồng chiêng còn được sử dụng như một trong những thành tố văn hóa quan trọng để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách có nhiều cơ hội tham gia và trải nghiệm trực tiếp các lễ hội của cộng đồng, hay trong những buổi biểu diễn văn nghệ dành cho du khách...